Ngày Quốc tế Người cao tuổi có thể được viết tắt là IDOP, tiếng anh gọi là International Day of Older Persons. Liên Hợp Quốc đã quyết định lấy ngày 01 tháng 10 hàng năm làm ngày kỷ niệm Quốc tế Người cao tuổi. Đây là một ngày hành động quốc tế được lập ra với mục đích tuyên truyền, cổ động cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ những người cao tuổi tại mọi đất nước thành viên.
Tổ chức Liên Hợp Quốc lần đầu tiên tiến hành Đại hội thế giới về Tuổi già tại nước Áo vào năm 1982. Đại hội này đã có hơn 3000 đại biểu của hầu hết các nước tham gia, trong đó có Việt Nam. Đại biểu đại diện Việt Nam chính là giáo sư Phạm Khuê – Viện trưởng Viện lão khoa Việt Nam.
Vào ngày 14/12/1990, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tiến hành bỏ phiếu về việc lấy ngày 01 tháng 10 là ngày Quốc tế Người cao tuổi. Kết quả là đa số các nước đều tán thành. Sau đó, Liên Hợp Quốc đã ban hành nghị quyết số 45/106, chính thức lấy ngày 01/10 hàng năm là ngày Quốc tế Người cao tuổi. Ngày Quốc tế Người cao tuổi đầu tiên được tổ chức là vào ngày 01/10/1991.
Hội nghị đã thông qua chương trình chung tay hoạt động quốc tế về tuổi già. Chương trình khuyến nghị Chính phủ và nhân dân các nước thành viên phải quan tâm, giải quyết các vấn đề về người cao tuổi.
Ngày Quốc tế Người cao tuổi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, nhắc nhở mọi người cần quan tâm, chăm sóc và giải quyết các vấn đề của người cao tuổi trên toàn thế giới. Đồng thời, nhìn nhận các vấn đề ảnh hưởng đến người cao tuổi như: quá trình lão hóa, sức khỏe yếu, lạm dụng hay lãng quên người cao tuổi…
Ngày Quốc tế Người cao tuổi thường là ngày những người con, người cháu trở về quây quần, quan tâm cũng là một món quà ý nghĩa đến ông bà, cha mẹ để tri ân, báo hiếu công sinh thành, dưỡng dục cũng như tình yêu thương vô bờ dành cho con cháu
Chủ đề năm 2024 “Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội” mang ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh dân số già hóa nhanh chóng. Nội dung này nhấn mạnh rằng việc chăm sóc người cao tuổi không chỉ là trách nhiệm của riêng một cá nhân hay gia đình, mà còn là trách nhiệm chung của cả cộng đồng và xã hội.
Trách nhiệm của cá nhân: Mỗi người cần có sự chuẩn bị tốt cho tuổi già của mình, bao gồm việc duy trì lối sống lành mạnh, chăm sóc sức khỏe, tích lũy tài chính, và sẵn sàng về tâm lý. Việc chủ động chăm sóc bản thân từ sớm giúp giảm thiểu các gánh nặng khi về già.
Trách nhiệm của gia đình: Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt về mặt tinh thần. Người cao tuổi thường cần sự quan tâm, hỗ trợ về mặt cảm xúc, chăm sóc y tế, và các hoạt động hàng ngày. Gia đình là nguồn động viên lớn, giúp người cao tuổi cảm thấy được yêu thương và chăm sóc.
Trách nhiệm của xã hội: Xã hội cần có các chính sách hỗ trợ người cao tuổi như dịch vụ y tế, hưu trí, phúc lợi xã hội, và các hoạt động cộng đồng nhằm giúp họ có cuộc sống khỏe mạnh, năng động. Các tổ chức, cộng đồng cần tham gia vào việc xây dựng các chương trình, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, tạo ra môi trường sống thân thiện và an toàn cho họ.
Như vậy, chủ đề này đề cao vai trò của cả hệ thống – từ cá nhân đến gia đình và xã hội – trong việc chăm sóc người cao tuổi, nhằm đảm bảo họ có một cuộc sống chất lượng, an lành và được tôn trọng.